Lịch sử hoạt động HMAS_Canberra_(D33)

Những năm giữa hai cuộc thế chiến

Canberra rời Plymouth vào ngày 4 tháng 12 năm 1928 sau nhiều tháng hoạt động chạy thử máy, và về đến Fremantle, Western Australia vào ngày 25 tháng 1 năm 1929.[3][4] Chiếc tàu tuần dương mới hoạt động chủ yếu tại vùng biển Australia trong mười năm tiếp theo sau, và trong một số giai đoạn là soái hạm của Hải quân Hoàng gia Australia.[4] Vào tháng 9 năm 1931, Canberra viếng thăm New Caledonia và Fiji,[4] rồi sau đó hoạt động tại China Station của Hải quân Hoàng gia Anh từ năm 1932 đến năm 1937.[4] Trong năm 1934, chiếc tàu chiến được phân công hộ tống con tàu chị em Sussex đưa Công tước Gloucester viếng thăm Australia.[4]

HMAS Canberra vào năm 1930, đi về phía đảo Garden và vịnh Woolloomooloo, bên dưới vòng cung của cầu cảng Sydney vốn còn chưa hoàn tất.

Chiến tranh Thế giới thứ hai

Trong chín tháng đầu tiên của Chiến tranh Thế giới thứ hai, Canberra đảm trách các vai trò tuần tra và hộ tống các đoàn tàu vận tải tại vùng biển chung quanh Australia.[4] Vào tháng 5 năm 1940, Canberra là một tronh số các tàu chiến Australia được phân công hộ tống đoàn tàu vận tải Anzac US 3 vượt Ấn Độ Dương đi đến châu Âu.[7] Những con tàu này được cho chuyển hướng đi đến mũi Hảo Vọng sau khi có những lo ngại rằng Italy sẽ tham chiến, và đi đến Scotland vào ngày 14 tháng 5.[7] Được Chính phủ Australia trao cho Hải quân Hoàng gia Anh, Canberra được gửi đến Nam Phi và được phân công đến Ấn Độ Dương hộ tống các đoàn tàu vận tải đi lại giữa Fremantle, Colombo và Cape Town.[4][7] Trong tháng đầu tiên của lượt bố trí này, chiếc tàu tuần dương đã nỗ lực không thành công trong việc truy tìm chiếc tàu cướp tàu buôn Đức Atlantis.[4] Sang tháng 11, Canberra cứu vớt 27 người sống sót từ chiếc SS Port Brisbane, vốn đã thoát khỏi bị bắt giữ sau khi tàu của họ bị chiếc tàu cướp tàu buôn Đức Pinguin tấn công.[4] Một cuộc truy tìm không thành công khác cũng được nó thực hiện.[4]

Vào tháng 2 năm 1941, Canberra tham gia các nỗ lực nhằm truy tìm chiếc thiết giáp hạm bỏ túi Đức Admiral Scheer.[8] Vào đầu tháng 3, Canberra đụng độ với hai tàu buôn; một tàu chở dầu đang tiếp tế cho một chiếc có thể là tàu cướp tàu buôn, cả hai đã tách ra và tháo chạy sau khi nhận được lệnh phải dừng lại.[9] Canberra đuổi theo chiếc tàu cướp tàu buôn, khai hỏa ở tầm bắn tối đa nhằm tránh bị bắn trả, trong khi chiếc thủy phi cơ Walrus tìm cách ngăn chặn chiếc tàu chở dầu bằng cách thả nhiều quả bom.[10] Cả hai con tàu đối phương, tàu tiếp liệu cho tàu cướp tàu buôn Coburg và chiếc tàu chở dầu Na Uy bị chiếm giữ Ketty Brovig, đã tự đánh đắm sau khi chịu đựng đợt tấn công đầu tiên từ những kẻ săn đuổi, nhưng họ vẫn tiếp tục nổ súng: chiếc Walrus sử dụng hết những quả bom mang theo, trong khi Canberra bắn hết 215 quả đạn pháo, hầu hết đều bị trượt.[10] Một cuộc phân tích sau chiến đấu cho thấy nếu Canberra tiếp cận trước khi nổ súng, nó đã có thể gây ra hư hại tương đương với hao phí đạn pháo ít hơn nhiều, và đã có thể chiếm giữ một hoặc cả hai con tàu.[11][12]

Canberra được bố trí trở về Australia vào tháng 7, hoạt động trong khu vực chung quanh bờ biển phía Tây và phía Nam.[8] Chiếc tàu tuần dương đã có mặt tại Sydney vào tháng 12 năm 1941 khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng. Canberra nhanh chóng được bố trí nhiệm vụ hộ tống vận tải chung quanh New Guinea, xen kẻ với các hoạt động tại vùng biển Malay và Nhật Bản.[8] Vào tháng 1 năm 1942, Canberra và tàu khu trục Vampire hộ tống chiếc tàu chở hành khách Aquitania, chở binh lính tăng cường cho lực lượng trú đóng tại Singapore.[7] Trong chuyến đi trở về ngang qua Đông Ấn thuộc Hà Lan, chiếc tàu tuần dương được bố trí đến hải đội ANZAC.[7] Một đợt tái trang bị thực hiện tại Sydney từ tháng 2 đến tháng 5 năm 1942, trong đó Canberra trở thành tàu chiến Australia đầu tiên được trang bị radar: một bộ radar Kiểu 241 dò tìm mặt đất, và một bộ A290 cảnh báo trên không.[7] Chiếc tàu tuần dương đã thả neo bên trong cảng Sydney vào lúc xảy ra vụ tấn công cảng Sydney bằng tàu ngầm bỏ túi của Nhật Bản vào ngày 31 tháng 5-1 tháng 6.[8] Mặc dù không bị hư hại, lúc 04 giờ 40 phút, Canberra ghi nhận quân Nhật có thể đã bắn ngư lôi nhắm vào nó.[8][13] Đây có thể là một trong nhiều vụ báo động nhầm diễn ra trong suốt đêm đó; tuy nhiên, một trong những chiếc tàu ngầm bỏ túi đã tìm cách phóng ngư lôi vào mục tiêu, nhưng chúng đã không phóng ra được do những hư hại phải chịu vào lúc xâm nhập vào bên trong cảng.[13] Quan sát viên bên trên chiếc Canberra có thể đã trông thấy các bọt khí từ khí nén dùng để phóng ngư lôi.[13]

HMAS Canberra trên đường đi ngoài khơi Tulagi, trong các cuộc đổ bộ vào ngày 7–8 tháng 8 năm 1942. Ba tàu vận tải nằm trong số các tàu chiến nhìn thấy ở phía xa, và các đảo Tulagi và Florida phía sau.

Chiếc tàu tuần dương hướng lên phía Bắc vào ngày hôm sau cuộc tấn công bằng tàu ngầm để gia nhập Hải đội ANZAC, vốn được đổi tên thành Lực lượng Đặc nhiệm 44.[7][8] Trong tháng 6, Canberra tham gia các cuộc tuần tra tấn công trong suốt khu vực biển Coral, và từ tháng 7 nó được bố trí trong Chiến dịch Watchtower; giai đoạn mở màn của Chiến dịch Guadalcanal.[8] Chiếc tàu tuần dương đã hộ tống cho lực lượng đổ bộ lên Tulagi từ ngày 5 tháng 8; và trong quá trình đổ bộ trong các ngày 78 tháng 8, chiếc tàu tuần dương chỉ vấp phải sự kháng cự không đáng kể.[14]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: HMAS_Canberra_(D33) http://www.awm.gov.au/atwar/remembering1942/canber... http://www.awm.gov.au/histories/second_world_war/v... http://www.navyhistory.org.au/hmas-shropshire-%E2%... http://history.navy.mil/photos/sh-fornv/austral/au... http://www.history.navy.mil/photos/sh-fornv/austra... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... //www.worldcat.org/oclc/32234178 //www.worldcat.org/oclc/46829686 //www.worldcat.org/oclc/848228 http://www.clydesite.co.uk/clydebuilt/viewship.asp...